Khuyến cáo người dân không câu móc, đấu nối điện tùy tiện để phòng ngừa cháy nổ

Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TPHCM vừa đưa ra khuyến cáo an toàn PCCC trong khu dân cư, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh.
 

Để tăng cường các biện pháp PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, thực hiện kế hoạch của Bộ Công an, Công an TPHCM đã chỉ đạo mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, Công an Thành phố đã tham mưu, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban ngành đoàn thể phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy, qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về PCCC, kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản do cháy, nổ gây ra.

Ngoài ra, Công an TPHCM cũng khuyến cáo người dân, các hộ gia đình trong khu dân cư, hộ gia đình - nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cần tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC như sau:

  1. Trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy tại các tầng trong nhà.
  2. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy; trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.
  3. Chuẩn bị chìa khoá dự phòng để gần nơi cửa thoát nạn.
  4. Không được câu móc, đấu nối điện tùy tiện, không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm.
  5. Ngắt tất cả các thiết bị sử dụng điện ra khỏi nguồn trước khi ra khỏi phòng, như tắt công tắc, cầu dao, aptomat, rút chuôi cắm ra khỏi ổ cắm điện...
  6. Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà, kiểm tra nơi đun nấu, nơi thắp hương thờ cúng; khi đun nấu, đốt vàng mã, phải có người trông coi.
  7. Không tàng trữ, buôn bán trái phép chất dễ cháy, nổ. Để vật liệu dễ cháy cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.
  8. Thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy. Thực hiện quản lý chặt chẽ các loại vật dụng dễ cháy, nổ các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; đảm bảo điều kiện an toàn phòng và chữa cháy trong quá trình sử dụng.
  9. Cài đặt ứng dụng Help 114 để báo cháy, khi cần cứu nạn cứu hộ các tai nạn, sự cố, an ninh trật tự và nhận thông tin cảnh báo cháy, nổ trên địa bàn Thành phố.
  10. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114, ứng dụng Help 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, Công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Cháy, nổ luôn gây ra nhiều thiệt hại về tài sản và tính mạng con người. Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thì điều cần thiết hơn là mọi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng cháy chữa cháy ngay tại cơ quan, đơn vị và nơi mình sinh sống.