Theo thống kê, hiện nay tại TP. Hà Nội có hơn 1.500 chung cư, tập thể cũ không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Năm 2020, thành phố cũng đã công bố danh tính 79 chung cư mới được xây dựng vi phạm quy định về PCCC. Tại TP. HCM, công an thành phố cũng vừa điểm tên 315 doanh nghiệp, sơ sở, công trình chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng. Trong đó không chỉ công trình nhà cao tầng, cơ sở sản xuất vi phạm quy định về PCCC mà Trường mầm non cũng vi phạm.
Mỗi khi có cháy nổ xảy ra là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ và môi trường sống của người dân. Những sự cố cháy, nổ đều gây ảnh hưởng đến môi trường do các chất độc hại khuếch tán vào không khí hoặc nguồn nước, sau đó thẩm thấu vào đất, gây nguy hại tới sinh vật và con người trực tiếp hoặc lâu dài.
Chất ô nhiễm nguy hại tồn tại sau khi cháy rất lâu
Tại buổi Tọa đàm “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị” do Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống vừa tổ chức, GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, khi xảy ra hỏa hoạn, chúng ta nói nhiều đến ảnh hưởng về tài sản, của cải, người dân nhưng chúng ta không nghĩ đến tác động môi trường xung quanh như thế nào. Nhà chung cư cao tầng, đường thoát hiểm chứa đầy đồ dùng, vật dụng, khoảng cách giữa 2 nhà chung cư ở Việt Nam rất gần, nên khi có cháy nổ xảy ra thiếu điều kiện cung cấp oxy, thành phần khí tạo thành là khí rất độc như khí CO, kèm theo đó là bụi mịn ở dạng khói đen, sẽ lan truyền không chỉ trong từng căn hộ mà còn len lỏi sang khu vực lân cận vì khoảng cách giữa các chung cư rất gần.
“Môi trường không chỉ khu vực xảy ra vụ cháy mà môi trường khu vực lân cận 200m-300m hay đường kính 500m theo luồng gió tản ra sẽ bị ô nhiễm, nên môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bột bụi mịn đen trong làn khói cực độc vì kích thước nhỏ có thể đi vào sâu trong cơ thể qua đường hô hấp. Các loại khí độc làm con người thiếu oxy và thậm chí là nhiều người tử vong do ngạt chứ không chỉ do bị cháy. Nghĩa là khi xảy ra sự cố cháy nổ, ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, chất lượng môi trường thay đổi”- bà Kim Chi nói.
Khi xảy ra cháy nổ, theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, phải sử dụng nước để dập cháy, nước thải sinh ra trong quá trình dập cháy sẽ hòa tan một số bụi, thành phần khí, kim loại và nước này trở thành nước ô nhiễm, sẽ vào các nguồn tiếp nhận như ao hồ vùng lân cận hoặc đi qua khu vực có đất sẽ đọng lại, nước gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh vật sống tại hồ. Thêm nữa là các loại bùn thải, chất rắn sinh ra trong quá trình cháy trở thành chất thải rắn, thậm chí chất thải rắn nguy hại, nếu thu gom không cẩn thận sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi. “Tùy theo mức độ, quy mô vụ cháy làm cho mức độ ô nhiễm môi trường xung quanh. Và tùy theo đối tượng bị cháy như kho nhiên liệu, hóa chất, vật liệu cháy có chất nhựa thì thành phần chất ô nhiễm nguy hại và tác động xấu đến môi trường sau khi cháy rất lâu chứ không chỉ lúc xảy ra vụ cháy”.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn khả năng cháy nổ cao cùng một số yếu tố khác theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được xếp vào nhóm có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Trong các siêu đô thị như Hà Nội, TP.HCM có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng khối lượng lớn nhiên liệu như xăng dầu dễ cháy, nhiều hóa chất độc hại dễ cháy nổ. Khi quản lý không tốt thì tại các cơ sở sản xuất kinh doanh để xảy ra sự cố sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn, trong nhiều trường hợp có thể đạt đến mức thảm họa.
Theo ông Nguyễn Thế Đồng, song hành với quá trình phát triển đô thị thì nguy cơ cháy nổ và tác động môi trường tăng lên rất nhiều. Về mặt quản lý nhà nước đã có bộ luật về PCCC, quy định trong Luật Xây dựng, quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế cho thấy các vụ cháy nổ vẫn xảy ra, thiệt hại lớn, còn nguyên nhân nằm ở đâu đó, có lỗ hổng trong pháp luật hay trong quá trình thực thi pháp luật, thực tế tất cả đô thị, một phần không nhỏ nó là khu dân cư hình thành rất lâu trước khi có Luật PCCC, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng.
“Những khu này, nhà xưởng họ xây dựng rất không ổn, nhưng nó là tồn tại lịch sử nên tôi nghĩ bên cạnh việc tăng cường thực thi pháp luật đối với đô thị mới, thì đối với đô thị hình thành lâu rồi phải có giải pháp đặc thù. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến 4 cấp các loại dự án, trong đó có cấp dự án rất nhỏ có thể hộ gia đình thậm chí không phải Báo cáo đánh giá tác động môi trường, không phải đăng ký xả thải, phải đăng ký môi trường nó là cam kết môi trường trước đây, yếu tố đặc biệt quan trọng là ý thức nội tại và quy định nội tại của chủ căn hộ, chủ cơ sở đó’ – ông Đồng nói.
Nhiều nơi lập phương án PCCC một đằng, thực hiện một nẻo
Theo ông Đồng, để ngăn chặn hậu quả về môi trường, nếu để xảy ra cháy nổ, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 làm rõ nhiều nội dung như về khoảng cách an toàn về môi trường, từ khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ đến khu dân cư, căn cứ vào quy mô, công suất, tính chất của dự án khác nhau phải được xem xét, tính toán và phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cho phép, phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng và Luật PCCC trong khi lập đề án đầu tư bất cứ dự án nào.
“Đối với góc độ bảo vệ môi trường, một dự án bao giờ cũng phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét thẩm định phê duyệt. Trong đó, một nội dung bắt buộc phải có là xem xét các khả năng xảy ra sự cố môi trường mà cháy nổ là khả năng sự cố môi trường số một cần được báo cáo, trong đó phải mô tả rõ công đoạn nào, hoạt động nào của nhà máy tiềm ẩn khả năng gây cháy nổ, nếu cháy nổ, phạm vi tác động ra sao, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp phòng chống, ngăn chặn tác hại của sự cố môi trường cháy nổ”- ông Đồng đề xuất.
GS.TS Đặng Thị Kim Chi trong việc kiểm soát và giám sát hoạt động bảo vệ môi trường ở các đơn vị, bao giờ đơn vị quản lý về môi trường cũng đều quan tâm đến các phương tiện phòng cháy chữa cháy ở trong đơn vị. Khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đều phải có chương trình phòng chống ứng phó sự cố trước khi cháy nổ đều phải được thông qua và có dự thảo chương trình này và phải được cơ quan PCCC thông qua. Như vậy, rất nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy đều có dự thảo về chương trình phòng chống và ứng cứu sự cố cháy nổ được cơ quan có trách nhiệm về PCCC phê duyệt. Sau này khi kiểm tra để cấp giấy phép môi trường hoặc cấp các xác nhận bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi cũng thường thấy các phương tiện phòng chống chữa cháy, các biện pháp đã được đưa ra tương đối đầy đủ. Bên cạnh đó vẫn không phải tất cả các đơn vị làm được. Có rất nhiều nhà máy, công xưởng, khu chung cư, khu đô thị cũng làm chương trình dự thảo, chương trình PCCC trình lên để phê duyệt nhưng khi đưa vào thực tế không được như vậy. Khi xảy ra sự cố cháy nổ, chúng ta không đủ phương tiện như kế hoạch đã được xây dựng và được cơ quan PCCC phê duyệt ”- GS.TS Đặng Thị Kim Chi nói.
Xử lý môi trường sau các vụ cháy nổ: Cần làm gì?
GS.TS Đặng Thị Kim Chi nhấn mạnh, hậu quả cháy nổ phụ thuộc vào biện pháp phòng ngừa, ứng cứu. Sau khi dập tắt đám cháy, các đơn vị quản lý môi trường cần đến ngay khu vực xảy ra sự cố cháy nổ tìm hiểu mức độ cháy, vật liệu cháy, hóa chất cháy, hướng phát tán khói thải ra các khu vực lân cận bị ảnh hưởng thế nào, xem xét nguồn tiếp nhận nước thải và các hiện trạng sinh thái tại khu vực chịu ảnh hưởng của cháy nổ, đặc tính của các loại chất thải rắn-sản phẩm phát sinh của quá trình cháy như thế nào, để dự báo có khả năng thành phần ô nhiễm nào sẽ phát sinh ra sau quá trình cháy đi vào môi trường không khí, đất, nước và các loại chất thải. Tùy mức độ và quy mô khu vực cháy, khả năng lan truyền chất ô nhiễm phải lấy mẫu quan trắc hiện trạng môi trường để khẳng định thành phần, mức độ ô nhiễm với môi trường khí nước, chất thải.
“Phải di dời người già, trẻ nhỏ, người ốm ra khói khu vực bị cháy trong khoảng thời gian nhất định, tránh không sử dụng bồn chứa nước, nơi tiếp nhận nước thải đã dập cháy, tránh sử dụng các loại rau quả, vật nuôi bị nhiễm bụi, khí độc trong khu vực chịu tác động của vụ cháy. Điều nữa là chúng ta không thể thu gom lại khí để xử lý vì lúc đó đã lan truyền tất cả các nơi, phải có thời gian cho thông thoáng khí ở khu vực cháy và khu vực lân cận vì có quá trình pha loãng với các nơi khác và làm giảm thành phần độc hại có trong thành phần khí tới tiêu chuẩn an toàn về mặt môi trường”- bà Chi nói.
Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, phải xử lý nước thải sinh ra gây ô nhiễm bằng cách thu gom nước thải về cơ sở xử lý nước thải để đạt được yêu cầu xả thải an toàn môi trường. Phải có kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt là sản phẩm của quá trình cháy theo đúng quy định thu gom vận chuyển và xử lý các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại. Cùng với đó, cần có thêm việc kiểm tra sức khỏe của cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng bởi cháy nổ để kịp thời phát hiện các hiện tượng ngộ độc, tác động xấu đối với con người do hậu quả sinh ra trong quá trình cháy. Đồng thời cảnh báo cho khu dân cư có biện pháp tự bảo vệ mình trước tác động ô nhiễm này để giảm thiểu tác động xấu của môi trường bị ô nhiễm đối với cá nhân họ./.